Không chỉ là nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, điện năng lượng mặt trời áp mái còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ việc kiếm thêm tiền trên… mái nhà.
Với ưu điểm không tốn diện tích đất, giúp chống nóng cho các công trình, dễ lắp đặt, dễ đấu nối vào lưới điện, giảm quá tải cho ngành điện…, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn lắp đặt điện mặt trời áp mái như một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.
KIẾM TIỀN TRIỆU TRÊN MÁI NHÀ MỖI THÁNG
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái từ tháng 5-2019 với chi phí 300 triệu đồng cho 20kWp, hằng tháng gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Dung ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng tiền điện, giảm một nửa so với trước đây.
Ngoài ra, mỗi tháng chị còn được điện lực trả lại 4 triệu đồng từ nguồn điện dư hòa vào lưới điện quốc gia. Với chi phí đó, chị Dung nhẩm tính chưa đầy 5 năm đã có thể lấy lại vốn và bắt đầu có lời. Nhận thấy hiệu quả từ lắp đặt điện mặt trời áp mái, gia đình chị Dung đã kết hợp kinh doanh lắp đặt điện mặt trời cho những hộ có nhu cầu.
“Ở đây, nắng nhiều nên điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm tiền điện mỗi tháng. Tận dụng mái nhà để lắp đặt nên không tốn thêm diện tích mà còn giúp nhà mình mát hơn. Vừa giảm được tiền điện hằng tháng vừa bán sản lượng điện dư cho ngành điện để có thêm thu nhập. Với thời gian bảo hành 20 năm, gia đình tôi chỉ đầu tư 1 lần mà sử dụng được thời gian dài, kinh tế hơn là đóng tiền hằng tháng” – chị Dung chia sẻ.
Công tác trong ngành điện, hiểu rõ lợi thế của điện mặt trời áp mái nên anh Nguyễn Tấn Sỹ, tổ 3, ấp Hiếu Cảm đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt 8kWp điện mặt trời trên mái nhà của gia đình.
Theo kinh nghiệm của anh Sỹ, để các tấm pin hấp thụ ánh nắng mặt trời đạt hiệu quả cao nhất thì phải đặt hướng Tây Nam, độ dốc đạt từ 30-350 và phải vệ sinh pin thường xuyên.
Với số giờ nắng cao như Bình Phước, bình quân 1kWp sản sinh 5kWh điện/ngày, còn nếu vào thời gian nắng nhiều có thể hơn. Từ khi lắp đặt, gia đình anh Sỹ sử dụng các thiết bị điện thoải mái, mỗi tháng chỉ đóng 1 triệu đồng tiền điện, nghĩa là tiết kiệm được 50% tiền điện so với trước đây, ngoài ra còn được điện lực trả lại 1,7 triệu đồng/tháng từ nguồn điện áp mái dôi dư.
Huyện Chơn Thành có 61 khách hàng đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất 430,7kWp; tổng sản lượng phát lên lưới tháng 2-2020 là 20,710kWh. Trong tổng 61 khách hàng thì có 13 khách hàng ký hợp đồng trước ngày 30-6-2019 đang được Điện lực Chơn Thành thanh toán tiền điện mua lại hằng tháng với giá 2.164 đồng/kWh. Còn lại 48 khách hàng ký hợp đồng sau ngày 30-6-2019, hằng tháng điện lực chốt chỉ số điện nhận và chờ hướng dẫn chỉ đạo sẽ thực hiện thanh toán cho khách hàng.
Phó giám đốc Điện lực Chơn Thành ĐÀO LÊ CƯỚNG
Phó giám đốc Điện lực Chơn Thành Đào Lê Cướng cho biết: Điện lực Chơn Thành đặc biệt quan tâm đến sự phát triển năng lượng mặt trời áp mái trên địa bàn, nhằm giảm bớt nhu cầu phụ tải ngày càng phát triển.
Chơn Thành có nhiều nhà máy, doanh nghiệp có sẵn hạ tầng, kết cấu mái đáp ứng tốt điều kiện để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ngoài tiết giảm chi phí điện tối đa cho gia đình, lượng điện dư khách hàng có thể bán lại cho ngành điện.
Chính vì vậy, sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Theo Xã Luận